phương pháp mở nồi áp suất thông dụng là mở van xả khí áp, tuy nhiên, tốc độ xả khí càng nhanh thì thức ăn trong nồi càng bị chấn động, bốc hơi càng nhanh. do đó, biết mẹo sử dụng các cách mở nồi áp suất khác nhau cho từng loại thực phẩm để bảo toàn dinh dưỡng và tăng hương vị món ăn.

Bài viết xin giới thiệu một số cách sử dụng khi mở nồi áp suất khác nhau và công dụng của chúng.

1. Xả khí áp nhanh

Xả khí áp nhanh

Đây là phương pháp mở nồi bằng cách xả khí áp qua van xả, cũng là cách mở nắp nhanh nhất, chỉ mất khoảng 2 đến 3 phút. Người dùng nên sử dụng cách mở nắp này khi nấu các món nhanh chín và các loại rau củ.

Cách để xả áp là:

- Dùng tay giữ tay cầm để mở khóa van xả (1) để xả áp nhanh

- Dùng tay kéo chốt chốt van xả áp suất (2) – Áp dụng đối với nồi áp suất điện tử

- Dùng tay kéo chốt chốt van xả áp suất (3) – Áp dụng đối với nồi áp suất cơ

Cần chú ý rằng, van xả rất nóng nên có thể đeo găng tay cách nhiệt để mở van xả hoặc dùng dụng cụ (đũa, kẹp) để giữ van xả. Sau khi xả hết áp suất trong nồi, ở chổ van xả không còn tiếng kêu mới được mở nắp nồi ra. Nếu mở sớm hơn sẽ gây nguy hiểm cho bạn.

Xem thêm: Cách xả áp của nồi áp suất điện tử

2. Xả khí áp chậm

Xả khí áp chậm

Phương pháp này cũng tương tự như cách mở nắp bằng xả khí áp nhanh, nhưng người dùng sẽ giảm tốc độ xả khí xuống chậm hơn, khoảng từ 5 đến 10 phút. Nếu sử dụng nồi áp suất cơ và không thể điều chỉnh tốc độ khí xả ra thì bạn nên xả khí thành từng đợt, khóa van lại sau mỗi 10 giây để tránh bọt trào ra ngoài van.

Phương pháp này được dùng khi nấu các món khó như gạo, ngũ cốc, đậu, và rau củ, nhưng không có thời gian để sử dụng cách giảm áp tự nhiên được đề cập ở dưới.

3. Giảm áp tự nhiên trong 10 phút

Giảm áp tự nhiên trong 10 phút

Đây chỉ cách giảm áp bằng cách cắt nhiệt với nồi áp suất, để nồi tự nguội bớt và giảm áp suất một cách tự nhiên. Sau 10 đến 15 phút, người dùng sẽ xả áp suất còn sót lại trong nồi bằng phương pháp xả khí áp chậm (Cách 2). Cách này được khuyên dùng với các loại ngũ cốc vì chúng vẫn tiếp tục được nấu chín bằng hơi nước trong nồi khi không còn nhiệt.

4. Giảm áp tự nhiên

Giảm áp tự nhiên

Đây là phương pháp giảm áp suất chậm nhất, có thể tốn từ 10 đến 30 phút tùy theo loại nồi (nồi áp suất điện tốn thời gian hơn vì cơ cấu giữ nhiệt) và lượng thức ăn trong nồi. Phương pháp này để áp suất giảm đi hoàn toàn tự nhiên sau khi đã tắt nhiệt. Tức là người dùng không thao tác nào hết đối với van xả, và để nồi xả hết khí trong nồi cho đến khi không còn tiếng kêu mới được mở nồi ra.

Cách này được khuyên dùng khi nấu các món hay bị trào bọt và nở ra như ngũ cốc, gạo, đậu và trái cây. Các món thịt cũng nên dùng cách này để tránh nước thịt bị bốc hơi quá nhanh. Khi hầm nước dùng, bạn cũng nên để nguội tự nhiên vì khi xả khí áp nhanh, xương và gia vị sẽ bị chấn động làm nước dùng đục đi.

Các cách giảm áp không nên dùng

Các cách giảm áp không nên dùng

Giảm áp bằng cách bắc nồi áp suất xuống bếp rồi đưa trực tiếp vào vòi nước lạnh hay nhúng nồi xuống bồn nước lạnh đều có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng. Nước có thể làm nghẽn van xả áp, có thể bốc hơi gây bỏng, nhiệt độ thay đổi đột ngột cũng có thể làm biến dạng lớp kim loại của nồi, do đó bạn không nên dùng các cách này để mở nồi áp suất.

Sử dụng nồi áp suất cũng cần biết một số mẹo nhỏ để đảm bảo món ăn luôn ngon miệng và bổ dưỡng. Hi vọng bài viết đã cung cấp cho bạn thêm thông tin về cách mở nồi đúng cách để bữa cơm gia đình thêm ngon và đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Theo VnExpress